Qua hàng trăm năm phát triển, các mẫu đồng hồ cơ đã được các hãng cải tiến rất nhiều về kỹ thuật và công nghệ, nhờ đó bộ máy cơ hiện nay đã trở nên bền chắc hơn rất nhiều so với các mẫu đồng hồ cổ trước kia. Tuy nhiên, độ bền của đồng hồ cơ vẫn hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách giữ gìn của người sử dụng, do cơ bản bộ máy cơ của đồng hồ là một tập hợp của rất nhiều bộ phận nhỏ bé, tinh vi được gắn kết với nhau để tạo nên những chuyển động đồng bộ. Chúng rất nhạy cảm với các tác động bên ngoài, chỉ cần một bộ phận bị trục trặc thì các bộ phận còn lại cũng bị trì trệ.
Vậy làm sao để bảo quản chiếc đồng hồ cơ của bạn được bền lâu nhất, hãy cùng Cuong Luxury tham khảo một vài lưu ý dưới đây nhé:
1. Đọc kỹ và nắm vững thông tin từ sổ hướng dẫn sử dụng của mỗi chiếc đồng hồ
Thông thường, khi bạn mua một chiếc đồng hồ chính hãng, đặc biệt là những dòng đồng hồ cao cấp đắt tiền, sẽ có kèm theo cuốn sổ hướng dẫn sử dụng và cách bảo dưỡng, bảo hành cho đồng hồ.
Mỗi dòng đồng hồ của mỗi hãng sẽ sở hữu một dòng máy chuyên biệt, với chức năng cũng khác nhau, và thiết kế bộ máy cơ của mỗi hãng cũng rất khác biệt nên đầu tiên bạn phải nắm số caliber, thông số chi tiết của bộ máy cũng như cách sử dụng đúng cho từng mẫu đồng hồ của hãng.
2. Kiểm tra, lau dầu cho đồng hồ định kỳ
Đồng hồ cơ thường được bôi trơn lớp dầu tại các bộ phận chân kính (jewels) giúp cho đồng hồ hoạt động được trơn tru, mượt mà, tạo nên các chuyển động chính xác đồng bộ cho cỗ máy cơ. Nếu lớp dầu bị khô, bị loãng do nhiệt độ, hơi nước, hoặc bị bụi bẩn dính vào trong quá trình sử dụng đã lâu, thì chuyển động bộ máy cũng sẽ chậm chạp và không còn đồng bộ.
Vì thế, để cho đồng hồ hoạt động mượt mà, bạn cần nắm ngày bảo hành lâu dầu định kỳ cho đồng hồ.
3. Điều chỉnh ngày/thứ đúng cách
Lưu ý là nên tháo đồng hồ khỏi tay đeo khi chỉnh ngày giờ và bạn cần tránh cập nhật lịch ngày, thứ vào khoảng từ 21h tối đến 3h sáng hôm sau. Đây thời điểm khá nhạy cảm khi cần điều chỉnh thông số ngày thứ và giờ đang chuyển tiếp qua ngày mới.
Trong khoảng thời gian đó, bộ máy của đồng hồ sẽ thực hiện những thay đổi trong cỗ máy theo một công thức chuyển động và cần hạn chế những hoạt động khác can dự vào. nếu không muốn gây hư hại cho bộ máy của đồng hồ, đặc biệt là những sự cố ngoài ý muốn đối với hệ thống bánh xe chuyển động.
4. Vệ sinh đồng hồ mỗi ngày (hoặc ít nhất là mỗi tuần)
Đồng hồ khi chúng ta đeo mỗi ngày sẽ khiến da cổ tay ta bị nóng và tiết mồ hôi, cộng thêm bụi bẩn, các hoá chất từ môi trường mà ta sinh hoạt hằng ngày sẽ hình thành nên vi khuẩn và các vết bẩn trong đồng hồ.
Mồ hôi và hoá chất sẽ ăn mòn dần lớp vỏ ngoài cũng như bộ phận chống nước của đồng hồ, còn bụi bẩn sẽ xâm nhập dần dần vào trong bộ máy, gây cản trở hoạt động của đồng hồ. Ngoài ra, vi khuẩn hình thành từ bụi bẩn đồng hồ sẽ gây ra mùi rất khó chịu, có thể gây dị ứng, ngứa ngáy cho da người đeo.
Bên cạnh đó, chịu độ ẩm lớn trong thời gian lâu có thể làm hư hại các ron cao su, và khả năng chống nước của đồng hồ chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể. Vì thế, bạn nên chịu khó vệ sinh đồng hồ mỗi ngày, chỉ với một chiếc khăn nhúng nước thường vắt thật khô là đủ để bạn vệ sinh đồng hồ sạch sẽ rồi.
5. Đặc biệt quan tâm đến khả năng chống nước
Chống nước là một tính năng quan trọng quyết định việc bạn có thể sử dụng chiếc đồng hồ trong những điều kiện cần tiếp xúc với môi trường nước ở mức độ như thế nào: đi mưa, đi bơi hay lặn biển. Bạn rất cần chú ý thông số này vì chắc chắn không thể đeo một chiếc đồng hồ chống nước 50m để đi lặn biển được, điều đó chẳng khác nào “dìm chết” chiếc đồng hồ của bạn.
Ngoài ra, bạn không bấm nút khi tiếp xúc đồng hồ với nước vì đa số các đồng hồ thường sử dụng các ron cao su để chống nước cho đồng hồ. Nếu bạn sử dụng nút nhấn, sẽ tạo ra kẽ khiến đồng hồ sẽ bị vào nước. Một lưu ý nữa là khi bạn tiếp xúc đồng hồ với nước biển, thì nên vệ sinh máy ngay sau đó vì muối trong nước biển có thể ăn mòn làm hư hại chiếc đồng hồ của bạn.