Rotor hay củ văng hoặc quả nặng, là một thành phần đặc biệt quan trọng của bộ máy cơ học tự lên dây cót, với mục đích giúp đồng hồ tự động lên cót thông qua các chuyển động bằng tay của người sử dụng.
Rotor thường được gắn trực tiếp vào bộ máy của đồng hồ và liên kết chặt chẽ với bộ trữ cót. Nó có cấu trúc hình bán nguyệt với nhiều hình dạng và thiết kế khác nhau nhưng thường được làm từ các kim loại nặng. Khi xoay cổ tay, các thao tác chuyển động sẽ tạo động năng để làm xoay chiếc Rotor. Rotor xoay tròn xung quanh trục sẽ kéo căng bộ cót thông qua cấu trúc bánh răng liên kết.
Thông thường nếu sử dụng đồng hồ thường xuyên khoảng 8 tiếng mỗi ngày với nhiều hoạt động đòi hỏi cổ tay phải chuyển động, bạn sẽ cần ít thời gian hơn để lên cót cho đồng hồ vì Rotor đã giúp bạn tận dụng tối đa các chuyển động hàng ngày để lên cót tự động cho bộ máy.
Sau nhiều năm phát triển, cho đến nay, chúng ta có thể bắt gặp đến 4 kiểu Rotor phổ biến thường được trang bị trên các dòng đồng hồ cơ tự động, bao gồm Full rotor, Off-center Rotor, Micro-Rotor và Peripheral Rotor. Cụ thể:
1. Full rotor:
Full Rotor là loại Rotor phổ biến nhất trên các mẫu đồng hồ cơ học, được mọi thương hiệu từ phổ biến cho đến cao cấp và xa xỉ sử dụng trong các mẫu đồng hồ của mình. Nó được thiết kế với kích thước lớn - tương ứng với bán kính bộ máy đồng hồ với phần trục được đặt nằm ở chính giữa bộ máy.
Loại Rotor này thường có khả năng nạp cót nhanh nhất, nhưng đi kèm với đó là 2 nhược điểm nhỏ, đó là:
- Thường khiến cấu trúc của bộ máy dày hơn đáng kể
- Và làm che che đi mất một phần của mặt đáy máy.
Nhiều thương hiệu để hạn chế những nhược điểm trên đã tạo ra những chiếc Full Rotor được khoét rỗng ở giữa nhằm mở rộng các phần có thể nhìn thấy của bộ máy, hoặc được trang trí bằng các họa tiết đặc biệt tùy theo sức sáng tạo của mỗi thương hiệu.
Ví dụ như Patek Philippe sẽ có những chiếc Rotor đặc được tạo hình lưỡi rìu và trang trí bởi các vân sọc Cotes De Geneve, hay như những phiên bản đồng hồ kỷ niệm 50 năm của Audemars Piguet được trang bị 1 chiếc Full Rotor rỗng ruột với biểu tượng 50th được điêu khắc ở chính giữa
Hãng sản xuất đồng hồ đầu tiên cho ra mắt 1 bộ máy full rotor với khả năng xoay 360 độ là Rolex với phiên bản Oyster Perpetual được ra mắt vào năm 1931.
2. Off-center Rotor
Vẫn là một phiên bản của Full Rotor nhưng được thu nhỏ lại một chút về mặt kích thước và đặt lệch tâm thay vì đặt ở chính giữa bộ máy. Về cơ bản Off-center Rotor và Full Rotor không có nhiều điểm khác biệt về mặt thiết kế ngoại trừ kích thước nhỏ hơn và vị trí đặt lệch.
Breguet là thương hiệu điển hình thường hay sử dụng cấu trúc Off-center Rotor cho những thiết kế đồng hồ và bộ máy cơ học của mình.
3. Micro-Rotor:
Có thiết kế còn nhỏ hơn cả Off-center Rotor, Micro-Rotor thương được đặt vào phần rìa thân máy thay vì chính giữa bộ máy như các mẫu Full Rotor. Điều này khiến nó nằm gọn bên trong bộ máy đồng hồ và giúp giảm thiểu đáng kể độ dày của bộ máy, đồng thời nó cũng giúp đồng hồ dễ dàng phô diễn được vẻ đẹp tinh xảo của các chi tiết bên trong bộ máy
Tuy nhiên, kết cấu nhỏ gọn này cũng đem đến cho Micro-Rotor một nhược điểm, đó là không nhạy cảm với các chuyển động như Full Rotor. Do đó, nó bắt buộc phải được làm bằng các kim loại nặng như Vàng, Platinum, Tungsten. Đây là những kim loại quý hiếm và có giá thành cao, việc sử dụng nó làm tăng chi phí sản xuất đồng hồ nên chủ yếu thường chỉ được sử dụng bởi các thương hiệu chế tác xa xỉ.
Một số thương hiệu thường sử dụng Micro-Rotor bao gồm: Chopard, Piaget, Patek Philippe, Bvlgari,...
Hãng sản xuất đồng hồ đầu tiên sử dụng loại Micro-Roto này là Buren với chiếc Slender được ra mắt vào năm 1954.
4. Peripheral Rotor
Khác biệt gần như hoàn toàn với các cấu trúc kể trân, Peripheral Rotor thường được bố trí nằm ở rìa máy. Nó thường có cấu tạo bao gồm một vòng kim loại với các bánh răng được kết nối với bộ phận nạp cót vào ổ trữ cót. Trên một nửa vòng quay đó sẽ được gắn một quả nặng được làm bằng các thanh kim loại quý như Vàng, Platinum và Tungsten, với cấu trúc như một hình trụ vuông uốn cong theo bề mặt vòng kim loại.
Cơ chế quay lên cót của Peripheral Rotor cũng khá tương đồng với Full Rotor. Tuy nhiên, do được thiết kế để nằm liền với rìa ngoài của bộ máy, nên nó cũng giúp bộ máy của đồng hồ mỏng đi tương đối. Đổi lại việc chế tạo ra cấu trúc này đòi hỏi sự phức tạp hơn khá nhiều so với các dòng Rotor khác.
Chỉ có một số ít hãng dùng thiết kế này, bao gồm: Piaget, Carl F.Bucherer, Breguet và Patek Philippe (Thương hiệu chế tác đồng hồ đầu tiên sử dụng kết cấu này với bộ máy 350 ra mắt vào năm 1969)
5. Bumper Rotor
Ngoài 4 thiết kế Rotor phổ biến, chúng ta còn có Bumper Rotor, là một loại Full Rotor cổ xưa được ra mắt vào năm 1922, và từng phổ biến trên các dòng máy cơ học cổ điển. Nó có thiết kế tương đối độc đáo với hình dáng tựa như một lưỡi liềm được gắn với trung tâm bộ máy. Trên đường di chuyển của nó sẽ được thêm gắn một cấu trục đặc biệt với 2 chiếc lò xo xoắn 2 bên.
Với thiết kế này, Bumper Rotor có thể lên cót cho bộ máy cơ học nhưng không thể xoay được 360 độ như các mẫu đồng hồ hiện đại.
Với nhiều nhược điểm về mặt thiết kế, Bumper Rotor đã không còn được sử dụng để trang bị trên các bộ máy cơ học