Nói đến những bộ máy chuyển động của đồng hồ cơ, chúng ta có thể nhanh chóng mường tượng ra một hệ thống cấu trúc phức tạp bao gồm nhiều chi tiết bánh răng và ốc vít siêu nhỏ, được ráp nối với nhau một cách tỉ mỉ để tạo ra chuyển động hoàn chỉnh và chính xác nhất cho đồng hồ. Tuy nhiên, sự chính xác 100% chưa bao giờ tồn tại, mặc cho công nghệ ngày càng phát triển và những chi tiết bên trong bộ máy liên tục được cải tiến để có thể gia tăng hiệu suất vận hành và cải thiện mức độ sai số cho đồng hồ.
Nhiều người cho rằng, việc những chiếc đồng hồ có độ chính xác lên tới 99% đã là một điều rất tốt rồi, tuy nhiên, nếu làm một phép tính nhỏ, chúng ta có thể nhận ra rằng, với độ chính xác đó, đồng hồ có khả năng chạy sai số đến gần 1 phút 30 giây mỗi ngày. Đây là một điều không thể chấp nhận được trong thế giới của những chiếc đồng hồ xa xỉ.
Lý do bộ máy cơ học không bao giờ đạt mức hoàn hảo đến 100%
Xét trên thực tế, theo tiêu chuẩn uy tín hàng đầu Thụy Sỹ, COSC, mức sai số tối đa cho một mẫu đồng hồ chỉ được cho phép ở mức là +6/-4 giây mỗi ngày, tương ứng với độ chính xác là 99,994%. Trong khi đó, một mẫu đồng hồ hoàn hảo nhất cũng có mức sai số đạt +1/-1 giây mỗi ngày, tương đương với độ chính xác là 99,998%. Vậy tại sao nó vẫn chưa thể ở mức 100% hoàn hảo?
Đó là do, bộ máy cơ học luôn bị ảnh hưởng bởi một vài yếu tố đến từ môi trường xung quanh chúng ta, cụ thể như:
1. Vị trí: Do tác động của trọng lực, đồng hồ sẽ chạy nhanh hoặc chậm hơn một vài nhịp khi rơi vào một số vị trí nhất định. Bánh xe cân bằng sẽ được điều chỉnh để bù lại thời gian nhanh hoặc chậm ở các vị trí khác nhau. Một chiếc đồng hồ được điều chỉnh ở càng nhiều vị trí sẽ càng bảo toàn được sai số lý tưởng.
2. Nhiệt độ: Môi trường có thể có tác động đến độ chính xác của đồng hồ. Thay đổi nhiệt độ dẫn đến việc co giãn của một số bộ phận bên trong bộ máy, khiến chúng bị thay đổi kích thước và thậm chí biến dạng. Trong đó đặc biệt là bánh xe cân bằng và dây tóc. Ở những mẫu đồng hồ cơ hiện đại, hầu hết các vật liệu và thiết kế có thể bù đắp cho những sự thay đổi này và duy trì chúng ở tỷ lệ thích hợp. Đây cũng không hẳn là vấn đề nan giải, trừ khi đồng hồ phải hoạt động liên tục trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, và nó cũng được sửa chữa bởi một quy tắc rất đơn giản.
3. Thời gian vận hành: Như đã nói ở trên, đồng hồ cơ được tạo thành từ nhiều chi tiết nhỏ được ghép nối tỉ mỉ với nhau, và khi chúng hoạt động liên tục không ngừng nghỉ trong thời gian dài thì dầu bôi trơn trong bộ máy sẽ dần dần khô kiệt và bánh răng cũng bị biến dạng dù rất ít, đương nhiên, điều này cũng khiến cho độ chính xác của đồng hồ cũng sẽ giảm theo (có nghĩa là sai số đồng hồ ngày càng tăng). Điều này đòi hỏi người đeo phải mang đồng hồ đi bảo trì định kỳ để bảo toàn khả năng vận hành của chúng.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một điều rằng, đồng hồ cơ khi mới được bán ra sẽ cần một khoảng thời gian hoạt động ban đầu trước khi đi vào hoạt động ổn định, do nó cần phân phối đều chất bôi trơn trong toàn bộ cơ chế của bộ máy. Tuy nhiên, nếu nó liên tục không chính xác trong thời gian dài, bạn sẽ cần phải đưa chiếc đồng hồ tới những cơ sở uy tín với đội ngũ thợ lâu năm để thực hiện một vài thao tác nhằm căn chỉnh lại khả năng chỉ giờ của đồng hồ.
Một vài lưu ý khác về độ chính xác của đồng hồ:
1. Từ trường (từ tính): Nếu một chiếc đồng hồ đột nhiên bắt đầu chạy cực nhanh (sai số +20s mỗi ngày, thậm chí lên đến hàng giờ mỗi ngày) thì đó thường là dấu hiệu cho thấy các cuộn dây tóc bị nhiễm từ (từ hóa), khiến các cuộn dây dính lại với nhau. Điều này rút ngắn vòng quay của bánh xe cân bằng và tăng nhanh tốc độ nhịp đập. Việc cải thiện vấn đề này là một trong số những nhiệm vụ thiết yếu nhất đối với các nhà sản xuất đồng hồ. Chẳng hạn như một số thương hiệu lớn như Patek, Rolex, OMEGA, Ulysse Nardin,... đang phát triển dây tóc silicon - một công nghệ tiên tiến cho phép đồng hồ có khả năng kháng từ tốt hơn.
Trong trường hợp đồng hồ đã bị nhiễm từ, việc sửa chữa cũng không quá khó khăn. Đồng hồ không cần bị tháo bung ra (trừ một vài trường hợp đặc thù), nó được đưa vào máy khử từ và thế là sẵn sàng hoạt động trở lại. Từ tính cũng có thể khiến đồng hồ dừng hoạt động hoặc chạy chậm, tuy nhiên, ở phần lớn trường hợp thì từ tính sẽ khiến đồng hồ chạy nhanh.
2. Cuộn dây rối: Điều này có thể được gây ra bởi một cú va đập nhỏ tác động lên bộ máy. Mặc dù điều này ít có khả năng xảy ra hơn từ trường, nhưng nó vẫn là một nguyên nhân phổ biến khiến đồng hồ chạy cực nhanh. Các cuộn dây bị vướng, và điều này rút ngắn vòng quay của bánh xe cân bằng, dẫn đến việc tăng đáng kể tốc độ nhịp đập. Tin tốt là cách khắc phục khá đơn giản, bạn chỉ cần mang nó đến trung tâm bảo hành và sửa chữa đồng hồ uy tín để một thợ đồng hồ có trình độ thực hiện. Việc này chỉ mất ít phút của bạn.
3. Hoạt động tổng thể kém: Đây là điều hiếm thấy trên một chiếc đồng hồ mới và thường sẽ rơi vào trường hợp của một chiếc đồng hồ 4-5 năm tuổi. Nếu đồng hồ chạy chậm, không duy trì năng lượng dự trữ, ngừng hoạt động khi vẫn được đeo trên cổ tay (đối với đồng hồ cơ automatic) - nó có thể đang gặp phải một triệu chứng nặng hơn, trong đó các kỹ năng của một người thợ đồng hồ lành nghề hoàn toàn có thể xác định và sửa chữa lỗi này. Trong trường hợp xấu nhất, chiếc đồng hồ của bạn sẽ được trùng tu hoàn toàn với một loạt các bộ phận phải được thay mới.