Có rất nhiều trường hợp, chúng ta sử dụng đồng hồ thường xuyên nhưng lại không biết rõ về khả năng kháng nước của đồng hồ, dẫn đến hậu quả là đồng hồ có thể bị hấp hơi, vào nước do sự bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết của bản thân. Điều này còn gây khó chịu hơn khi bạn không biết được rõ ràng nguyên nhân dẫn đến tình trạng hấp hơi, vào nước đó.
Vậy khả năng kháng nước của đồng hồ là gì? Tại sao đồng hồ lại bị hấp hơi, vào nước? Và bạn nên làm gì để bảo quản đồng hồ tránh khỏi tình trạng khó chịu này? Hãy cùng Cuong Luxury khám phá ngay trong bài viết này nhé
1. Bí mật về chỉ số chống nước - Water Resistance trên đồng hồ
Water Resistance hay chỉ số chống nước, thường có mặt trên những chiếc đồng hồ có khả năng kháng nước. Một số đồng hồ viết tắt là 1WR thường được hiểu là chống nước ở độ sâu 10m. Tương tự như WR là các đơn vị như BAR hay ATM. BAR là đơn vị đo áp suất thường dùng tại Châu u, còn ATM là đơn vị đo áp suất được sử dụng rộng rãi trong quốc tế.
Theo lý thuyết, 1BAR = 1ATM = 10m, điều này có nghĩa là cứ xuống 10m thì đồng hồ sẽ phải chịu áp suất tương đương với 1ATM hay 1BAR. Tuy vậy, một chiếc đồng hồ có chỉ số kháng nước 1ATM không có nghĩa là nó có thể ngâm nước ở độ sâu 10m.
2. Giải mã các mức độ kháng nước phổ biến của đồng hồ
Trên thực tế, các thông số của đồng hồ được đo lường trong phòng thí nghiệm với những mô phỏng theo các điều kiện chuẩn. Vì vậy, khi sử dụng trong thực tế, các chỉ số này thường có mức độ sai lệch tương đối nhiều. Cụ thể, các chỉ số được áp dụng trong thực tế như sau:
- 3BAR, 3ATM, 30M ( hay chỉ ghi là Water Resistance): Những đồng hồ có ghi thông số này chỉ có thể rửa tay hay đi mưa nhỏ. Không mang được khi tắm gội hay bơi.
- 5BAR, 5ATM, 50M ( 50M Water Resistance): Chỉ sử dụng được khi tắm, bơi ở hồ bơi thông thường,… Không nên dùng khi chơi thể thao dưới nước hay lặn.
- 10BAR, 10ATM, 100M ( 100M Water Resistance): Có thể sử dụng khi tắm, bơi lội, lặn sông,… Không nên dùng khi chơi thể thao mạnh dưới nước hay lặn biển.
- 20BAR, 20ATM, 200M ( 200M Water Resistance): Đây là mẫu đồng hồ có thể lặn được, nhưng chỉ lặn ở độ sâu dưới 10m, lặn bình thường. Không dùng được ở độ sâu quá lớn.
- Diver’s Watch 200M: Loại này là mẫu đồng hồ có thể dùng trong hầu hết các trường hợp. Thường chỉ có trên những mẫu dùng cho lặn chuyên nghiệp.
Và để hiểu rõ hơn những việc bạn có thể làm khi sử dụng đồng hồ với từng khả năng kháng nước khác nhau, các bạn hãy cùng tham khảo qua hình phía bên dưới đây nhé ảnh dưới đây nhé:
3. Một số lưu ý quan trọng
Nhiều người sử dụng đồng hồ thường hay chủ quan và quá tin tưởng vào khả năng kháng nước của đồng hồ mà quên đi việc nó còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố ngoại cảnh khác, dẫn đến việc vô tình làm đồng hồ bị hấp hơi, vào nước. Vậy nên, để đảm bảo đồng hồ luôn an toàn, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:
1. Chỉ sử dụng đồng hồ trong giới hạn kháng nước của nó.
2. Tốt hơn hết, đừng nên lạm dụng khả năng kháng nước của đồng hồ nếu bạn không thực sự rơi vào hoàn cảnh bắt buộc. Bạn có thể tháo đồng hồ ra để rửa tay, cất nó đi khi đi bơi và điều đó giúp ích rất nhiều cho đồng hồ, kể cả nó là một chiếc đồng hồ có độ kháng nước cao.
3. Nếu quyết định sử dụng đồng hồ trong môi trường nước, bạn nên đảm bảo độ kháng nước của nó cao hơn ít nhất 1 bậc so với mức kháng nước được khuyên dùng với các hoạt động của bạn.
Ví dụ:
- Nếu bạn muốn đeo đồng hồ trong khi tắm gội thì nên chọn mức kháng nước 50m thay vì 30m theo như khuyến nghị
- Nếu bạn muốn bơi, đừng sử dụng đồng hồ kháng nước 50m, hãy chọn những dòng sản phẩm có độ kháng nước từ 100m trở lên.
- Tương tự với các hoạt động khác như lặn sông và lặn biển.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra kỹ các núm vặn và phím bấm xem nó đã được đóng chặt hay chưa. Đồng hồ có độ kháng nước cao thường sở hữu kết cấu đệm cao su và núm vặn xoắn nhằm khóa chặt bộ vỏ và tăng khả năng chịu nước. Nếu phần núm xoay không được khóa chặt, nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến độ kháng nước của đồng hồ và khiến đồng hồ dễ dàng bị ngấm nước.
4. Đừng quên rằng, việc di chuyển giữa các môi trường chênh lệch nhiệt độ quá cao sẽ khiến hiện tượng hấp hơi xảy ra nhanh chóng. Không một chiếc đồng hồ nào có thể tránh khỏi việc này dù độ kháng nước của nó có cao đến mấy.
Vậy nên, đừng đột ngột di chuyển giữa các môi trường chênh lệch nhiệt độ cao như đi từ phòng điều hòa ra ngoài trời nắng nóng khi đeo đồng hồ. Nó sẽ làm đồng hồ bạn dễ dàng bị hấp hơi nước.
Hãy cho đồng hồ một khoảng thời gian để làm quen với nhiệt độ mới và nó sẽ giúp bạn hạn chế việc hấp hơi và bảo quản đồng hồ tốt hơn rất nhiều đấy.
5. Đặc biệt lưu ý, bạn không được sử dụng đồng hồ khi xông hơi, vì cơ chế của việc xông hơi hoàn toàn tương đồng với sự tăng giảm nhiệt độ bất thường. Nhiệt độ quá cao trong phòng xông hơi sẽ khiến đồng hồ của bạn bị hấp hơi nặng, thậm chí là ngưng đọng nước khiến bộ máy nhanh chóng bị rỉ sét.