Độ chính xác của bộ máy bên trong mỗi chiếc đồng hồ từ lâu đã luôn là một trong những điểm quan trọng nhất của mỗi thiết kế. Trong nhiều thế kỉ, các nghệ nhân đồng hồ luôn mày mò, chế tạo hợp kim mới, hay các bánh răng có hiệu suất cao và cơ cấu hồi có ma sát thấp. Dù là đang cố gắng sản xuất ra những bộ phận có thể chống sốc và chịu được nhiệt độ tốt hay hạn chế từ trường, thì mục đích cuối cùng của họ vẫn là cải thiện được tối đa độ chính xác của bộ chuyển động.
COSC - Chứng chỉ chất lượng uy tín bắt buộc phải có trên những chiếc đồng hồ cơ Thụy Sỹ
Và nếu như độ chính xác là tiêu chuẩn vàng, thì điều quan trọng nhất mà các thương hiệu đồng hồ cần có là một chứng chỉ hoặc giải thưởng đáng tin cậy có thể xác nhận được chính xác nhất tiêu chuẩn ấy. Đây là lúc Viện kiểm nghiệm chất lượng đồng hồ Thuỵ Sỹ (được biết tới rộng rãi với cụm từ COSC - Contrôle Officiel Suisse des Chronomètres) được thành lập để mang “sứ mệnh” trao giải cho những chiếc đồng hồ có độ chính xác cao với con dấu “Chronometer”
Để có thể đạt được chứng chỉ COSC danh giá này, bộ chuyển động của đồng hồ cơ sẽ phải trải qua một quy trình kiểm nghiệm chất lượng nghiêm ngặt, bao gồm các bài kiểm tra và đánh giá kéo dài tổng cộng 15 ngày, tại 5 vị trí và 3 mức nhiệt độ khác nhau. Lý giải cho cách đánh giá này là do lực hấp dẫn tác động tới bộ chuyển động của đồng hồ sẽ có sự thay đổi tùy thuộc vào các điều kiện khác nhau như vị trí hay mức nhiệt độ.
Tiêu chí đánh giá của chứng chỉ này rất đơn giản đó là đo độ chênh lệch trung bình của bộ chuyển động trong các điều kiện khác nhau kể trên. Bộ chuyện động không được phép chậm quá 4 giây hay nhanh quá 6 giây, trong 1 ngày. Nói cách khác, độ chính xác phải nằm trong khoảng -4 giây tới +6 giây. Có một cách so sánh thú vị để dễ hình dung hơn là nếu một chiếc đồng hồ đạt chứng nhận COSC kể cả chạy nhanh 6 giây 1 ngày, thì độ sai số của nó, trong 1 năm, cũng chỉ là 7cm so với 1000m mà thôi.
Và như đã có nhắc tới ở phần trên, quá trình kiểm nghiệm trong 15 ngày chỉ dành cho những bộ máy gốc. Những gì xảy ra sau quá trình đó với bộ chuyển động đều không được đánh giá và nằm ngoài chuyên môn của chứng nhận COSC. Đây chính xác là một điểm yếu còn tồn đọng vượt ngoài khả năng đánh giá của COSC. Đặc biệt là khi, hiện nay, rất nhiều các mẫu đồng hồ tầm trung cũng đang sử dụng bộ máy được cấp chứng chỉ này, khiến tính độc quyền của các thương hiệu cao cấp dần bị mất đi là không còn nhiều ý nghĩa như trước nữa.
Tuy nhiên, xét cho cùng, chứng nhận COSC vẫn được coi là ưu thế lớn và là một điểm cộng quan trọng, nếu so sánh với những mẫu đồng hồ không có chứng nhận này.
METAS - Chứng nhận chất lượng đồng hồ cơ Thụy Sỹ cao cấp và khắt khe hơn cả COSC
Chứng nhận Master Chronometer certification được thành lập bởi Viện Đo lường Liên bang Thụy Sĩ (METAS) và Omega, đánh dấu một tiêu chuẩn mới về chất lượng đồng hồ. Giấy chứng nhận này được cấp hoàn toàn riêng biệt với giấy chứng nhận Controle Officiel Suisse des Chronomètres (COSC) mà đồng hồ được cấp trước đây. Mặc dù thử nghiệm COSC vẫn là một phần không thể thiếu của quy trình cấp giấy chứng nhận mới, Omega đang tăng gấp đôi các tiêu chuẩn của chứng nhận Metas so với tiêu chuẩn COSC, chứng minh mức độ chính xác, hiệu suất và khả năng chống từ tính hơn bao giờ hết. Đó là lý do, nhiều người đánh giá đây là một loại chứng nhận được coi là cao cấp và khắt khe hơn hẳn so với COSC.
Chứng nhận Master Chronometer được Viện Đo lường Liên bang Thụy Sĩ (METAS) đảm bảo rõ ràng về tính minh bạch của các thử nghiệm. Bao gồm cả việc tiếp xúc với lực từ 15.000 gauss, mỗi chiếc đồng hồ phải trải qua tám bước kiểm tra riêng biệt, với mỗi bước kiểm tra cẩn thận về chức năng và độ chính xác. Bất kỳ thương hiệu nào cũng có thể gửi đồng hồ cho quy trình kiểm tra chuyên sâu kéo dài 10 ngày này.
Hiện nay, Omega là thương hiệu duy nhất sở hữu đồng hồ có chứng chỉ Master Chronometer và họ cũng luôn tự hào với là thương hiệu đầu tiên trên thế giới sở hữu chứng nhận này.
Chắc chắn một điều rằng, trước khi đồng hồ Omega được đưa tới các bước thử nghiệm của METAS, chúng đều đã vượt qua 14 ngày thử nghiệm Contrôle Officiel Suisse des Chronomètres (COSC).
Bước 1: Kiểm tra độ chính xác hàng ngày của đồng hồ trong điều kiện đeo thực tế
Thử nghiệm này kéo dài hơn 4 ngày và kiểm tra độ chính xác hàng ngày của đồng hồ trong điều kiện đeo thực tế. Đồng hồ ban đầu được đặt ở sáu vị trí khác nhau và hai nhiệt độ xen kẽ, sau đó tiếp xúc với từ tính 15.000 gauss, tiếp theo đồng hồ được khử từ, cuối cùng được kiểm tra lại ở cùng vị trí và nhiệt độ khác nhau. Đối với mỗi bước, một bức ảnh được chụp từ đồng hồ và được kiểm tra 24 giờ sau đó để biết độ chính xác so với thời gian UTC.
Bước 2: Kiểm tra bộ chuyển động của đồng hồ tại mức từ trường 15.000 gauss
Thử nghiệm này chỉ kiểm tra chuyển động của đồng hồ, đặt nó ở hai vị trí khác nhau và chịu tác dụng của lực từ 15.000 gauss. Trong thời gian 30 giây ở mỗi vị trí, chức năng của chuyển động được kiểm tra rõ ràng bằng microphone.
Bước 3: Kiểm tra đồng hồ tại mức từ trường 15.000 gauss
Bài kiểm tra này tương tự như bài kiểm tra thứ hai. Trong bài kiểm tra này, thay vì chỉ kiểm tra máy đồng hồ, toàn bộ đồng hồ phải chịu từ trường 15.000 gauss, với chức năng được kiểm tra bằng âm thanh. Trong thế giới hiện đại ngày nay, từ tính có ở xung quanh chúng ta, ở những nơi như máy tính bảng, điện thoại, máy sấy tóc và thậm chí cả móc kim loại của túi xách nữ. Đồng hồ cơ không có sự đổi mới chống từ tính có thể chịu tác động lâu dài về độ chính xác của chúng khi tiếp xúc với các từ trường này.
Bước 4: Xác định độ chính xác hàng ngày sau khi đồng hồ tiếp xúc với mức từ trường 15.000 gauss
Thử nghiệm này tính toán độ lệch trung bình của đồng hồ giữa ngày thứ 2 và ngày thứ 3 của thử thách đầu tiên. Kết quả cho thấy độ chính xác hàng ngày của đồng hồ trước và sau khi tiếp xúc với từ trường 15.000 gauss.
Bước 5: Kiểm tra khả năng kháng nước của đồng hồ
Thử nghiệm này nhấn chìm chiếc đồng hồ dưới nước, dần dần tăng áp lực nhiều hơn lên để kiểm tra khả năng chống nước khi thay đổi áp suất. So sánh với một số đồng hồ có khả năng chống nước tương tự, nó cũng vượt xa. Điều này đảm bảo rằng mỗi chiếc đồng hồ được kiểm tra phù hợp với điều kiện dưới nước.
Bước 6: Kiểm tra khả năng dự trữ năng lượng
Thử nghiệm này kiểm tra dự trữ năng lượng của đồng hồ bằng cách chụp ảnh ở đầu khi đồng hồ đầy cót và cuối khi đồng hồ ngừng chạy. Kiểm tra lại bất kỳ sai lệch nào, điều này chứng tỏ rằng mỗi chiếc đồng hồ hoạt động chính xác theo thời gian theo thông số kĩ thuật. Đối với người đeo, thật đáng để biết rằng, ngay cả sau một ngày cuối tuần đồng hồ để trên bàn cạnh giường ngủ, và đồng hồ của bạn vẫn sẽ hoạt động tốt.
Bước 7: Xác định sai số khi tích cót ở mức 100% và 33%
Thử nghiệm này đặt đồng hồ ở sáu vị trí khác nhau, tương tự như mỗi bên của một con xúc xắc. Với đồng hồ hoạt động hết công suất, đồng hồ dành 30 giây cho mỗi vị trí, với độ chính xác trung bình được ghi lại bằng âm thanh. Dự trữ năng lượng sau đó được giảm hai phần ba và kiểm tra lại, để đảm bảo độ chính xác được giữ ngay cả khi đồng hồ không hoạt động gần hết cót
Bước 8: Xác định độ sai lệch của đồng hồ tại 6 vị trí khác nhau
Thử nghiệm này tương tự như thử nghiệm trước đó và kiểm tra xem có bất kỳ sai lệch nào trong thời gian chạy khi đồng hồ được đặt ở sáu vị trí khác nhau, tương tự với mỗi bên của một con xúc xắc. Với 30 giây ở mỗi vị trí, kết quả được ghi lại qua âm thanh. Bằng cách đặt đồng hồ ở các vị trí khác nhau, chúng tôi có thể đảm bảo hiệu suất của đồng hồ cho dù người đeo đang làm gì, dù đang ngồi ở bàn làm việc hay tích cực chơi thể thao.
Mục đích của kiểm tra này là đảm bảo cho các mẫu đồng hồ của Omega hoạt động với mức sai số được giới hạn tại 0/+5 giây mỗi ngày trong mọi điều kiện.
Khách hàng khi mua sản phẩm sẽ nhận được một tấm thẻ đỏ để chứng minh đồng hồ của mình được xác thực và chứng nhận dưới hệ thống kiểm tra Master Chronometer. Thông qua website của Omega hay đơn giản chỉ là scan con chip NFC bằng chiếc điện thoại thông minh, bạn sẽ nhận được toàn bộ thông tin liên quan đến chiếc đồng hồ của mình cũng như mức độ hoạt động trong thời gian kiểm tra.